Đại tướng Võ Nguyên Giáp có tên khai sinh Võ Giáp, bí danh: Văn.
Đại tướng sinh ngày 25/8/1911 tại xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
Võ Nguyên Giáp (25 tháng 8 năm 1911– 4 tháng 10 năm 2013), hay Võ Giáp, là một nhà chỉ huy quân sự và nhà hoạt động chính trị Việt Nam. Là Đại tướng đầu tiên, Tổng tư lệnh tối cao của Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông chỉ huy chính trong Chiến tranh Đông Dương (1946–1954) và chiến tranh Việt Nam (1960–1975). Ông cũng trực tiếp hoặc tham gia chỉ huy nhiều chiến dịch quan trọng như Chiến dịch Biên giới Thu Đông 1950, Trận Điện Biên Phủ (1954), Chiến dịch Tết Mậu Thân (1968), Chiến cục năm 1972, Chiến dịch Hồ Chí Minh (1975), Chiến tranh Đông Dương lần 3 (1979).
Xuất thân là một giáo viên dạy sử, nhà báo, ông trở thành một chính trị gia và tướng lĩnh quân sự nổi bật trong lịch sử Việt Nam với các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Từ năm 1925 đến 1926, Đại tướng tham gia phong trào học sinh ở Huế, năm 1927 tham gia Đảng Tân Việt cách mạng (một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).
Năm 1930, Đại tướng bị địch bắt và kết án hai năm tù. Sau khi ra tù, Đại tướng tiếp tục hoạt động tuyên truyền, gây cơ sở cách mạng trong thanh niên, học sinh. Năm 1936, Đại tướng hoạt động trong phong trào dân chủ bán hợp pháp của Đảng ở Hà Nội; là biên tập viên các báo của Đảng: “Tiếng nói của chúng ta”, “Tiến lên”, “Tập hợp”, “Thời báo”, “Tin tức”... Tham gia phong trào Đông Dương đại hội, Đại tướng được bầu làm Chủ tịch Ủy ban báo chí Bắc Kỳ.
Tháng Sáu năm 1940, Đại tướng được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và được cử sang Trung Quốc gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
Đầu năm 1941, Đại tướng về nước, tham gia công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang ở căn cứ địa Cao-Bắc-Lạng.
Tháng 12/1944, Đại tướng được đồng chí Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.
Tháng 4/1945, tại Hội nghị Quân sự Bắc Kỳ, Đại tướng được cử vào Ủy ban Quân sự Bắc Kỳ. Từ tháng Năm năm 1945, Đại tướng là Tư lệnh các lực lượng vũ trang cách mạng mới, thống nhất thành Việt Nam giải phóng quân; tháng 6/1945, Đại tướng được đồng chí Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ thành lập Ủy ban Chỉ huy lâm thời Khu giải phóng.
Tháng 8/1945, Đại tướng được cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc. Tại Đại hội Quốc dân Tân Trào, Đại tướng được bầu vào Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam; là Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và được bổ sung vào Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Tháng 3/1946, Đại tướng là Chủ tịch Quân sự, Ủy viên trong Chính phủ Liên hiệp; khi thành lập Quân ủy Trung ương, được cử làm Bí thư Quân ủy Trung ương. Tháng 10/1946, là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh ủy quyền làm Tổng Chỉ huy Quân đội Nhân dân và Dân quân tự vệ Việt Nam. Tháng 1/1948, Đại tướng được phong quân hàm Đại tướng Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Tháng 2/1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Đại tướng được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.
Từ tháng 9/1955 đến tháng 12/1979, Đại tướng là Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Tháng 9/1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, Đại tướng được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.
Tháng 12/1976, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, Đại tướng được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V và lần thứ VI của Đảng, Đại tướng được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương.
Từ tháng 1/1980, Đại tướng là Phó Thủ tướng thường trực; từ tháng 4/1981 đến tháng 12/1986, là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ).
Đại tướng liên tục được bầu làm Đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VII.
Do công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, uy tín lớn trong và ngoài nước, Đại tướng đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.
Đại tướng qua đời vào lúc 18 giờ 9 phút ngày 4/10/2013, tại bệnh viện nơi ông nằm điều trị từ năm 2009. Đại tướng vừa bước qua tuổi 103.
Danh sách Ban lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam.
1. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Trưởng Ban Lễ tang.
2. Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
3. Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
4. Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
5. Đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư.
6. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ.
7. Đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.
8. Đồng chí Ngô Văn Dụ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
9. Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
10. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ.
11. Đồng chí Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
12. Đồng chí Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an.
13. Đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội.
14. Đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
15. Đồng chí Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương.
16. Đồng chí Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
17. Đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
18. Đồng chí Trần Quốc Vượng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.
19. Đồng chí Lương Ngọc Bính, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình.
20. Đồng chí Hoàng Bình Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương.
21. Đồng chí Nguyễn Thái Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
22. Đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
23. Đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
24. Đồng chí Thượng tướng Nguyễn Văn Được, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
25. Đồng chí Đặng Ngọc Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
26. Đồng chí Nguyễn Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam.
27. Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hòa, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
28. Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
29. Đồng chí Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam.
30. Đồng chí Nguyễn Quốc Triệu, Trưởng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương.